HTG.VN: Kênh quảng cáo và công cụ tìm kiếm HTG TRUYỀN THÔNG - QUẢNG CÁO - HƯNG THỊNH
LuatManhDuc.com - law.hungthinhgroup.net - smi
HTG.VN - Thuê tài - Thuê xe - BaThanh.Net
Thương Hiệu Doanh Nghiệp là cái tên dễ nhớ, gần gũi và Thương Hiệu là mục tiêu chung của các doanh nghiệp. Thương Hiệu Doanh Nghiệp là nơi hội tụ Thành công - Thịnh vượng - Phồn vinh của các doanh nghiệp. Thương Hiệu Doanh Nghiệp là nơi tôn vinh và khẳng định đẳng cấp thương hiệu của doanh nghiệp thương hiệu.

Bao giờ có thương hiệu nấm Việt Nam?

Những năm gần đây, nghề sản xuất, kinh doanh nấm ănnấm dược liệu ở nước ta ngày càng phát triển, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân và được coi là hướng làm giàu hiệu quả. Tuy nhiên, sản xuất nấm phần lớn vẫn ở quy mô hộ gia đình nên chưa đạt tới sự chuyên nghiệp, cũng như chưa xây dựng được thương hiệu. Điều này không chỉ làm lãng phí tiềm năng mà còn khiến nghề nấm phát triển thiếu bền vững.

 Nhiều thuận lợi

Là quốc gia nông nghiệp nên ở vùng miền nào, nước ta cũng sẵn nguyên liệu để trồng nấm như rơm rạ, mùn cưa, thân, lõi ngô, bông phế thải của các nhà máy dệt, bã mía… Do đó, việc phát triển nghề trồng nấm mang rất nhiều ý nghĩa, không những tận dụng hiệu quả nguồn phế thải từ nông nghiệp, dọn sạch đồng ruộng, giải phóng đất đai cho mùa vụ mới, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động lớn ở nông thôn với nhiều lứa tuổi; tạo ra nhiều dịch vụ “ăn theo” như cung ứng rơm rạ, sản xuất meo nấm, thu mua, sơ chế…

Điều quan trọng là nghề trồng nấm không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư như các loại cây trồng khác, vì đầu vào chủ yếu là rơm rạ, mùn cưa và công lao động (chiếm khoảng 70-80% giá thành sản phẩm), hoàn vốn nhanh (20-30 ngày là có sản phẩm thu hoạch), cho thu nhập khá, thích hợp với những vùng còn ít đất nông nghiệp. Theo tính toán, để giải quyết việc làm cho một lao động chuyên trồng nấm ở nông thôn với mức thu nhập trung bình từ 2,5-3 triệu đồng/tháng, chỉ cần số vốn đầu tư ban đầu khoảng 25 – 30 triệu đồng và 100m2 nhà xưởng. Nếu chúng ta chế biến xuất khẩu 1 triệu tấn nấm mỡ, nấm rơm thì có thể đạt kim ngạch 1 tỷ USD/năm mà không phải nhập khẩu nguyên liệu nào như những mặt hàng nông sản khác.

Theo các nhà khoa học, thời tiết, khí hậu ở nước ta rất thuận lợi cho cây nấm phát triển, trong đó, khu vực phía Nam thời tiết nắng nóng có thể tập trung trồng nấm rơm, linh chi, bào ngư, nấm mèo… Còn các tỉnh phía Bắc, có mùa đông lạnh, trồng nấm mỡ, nấm hương, nấm sò. Ngoài ra, đến nay chúng ta cũng đã cơ bản làm chủ được công nghệ nhân giống và sản xuất đối với các loại nấm chủ lực; kỹ thuật, công nghệ về nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến nấm cũng ngày càng hoàn thiện.

Một điều vô cùng thuận lợi cho cây nấm phát triển là nhu cầu tiêu thụ nấm trên thế giới ngày một tăng vì ngoài giá trị dinh dưỡng (giàu protein, glucid, lipid, các axit amin, vitamin, khoáng chất…), trong nấm còn có các hoạt tính sinh học (các chất đa đường, axit nucleic..) nên nấm được coi là “rau sạch”, là một dạng thực phẩm chức năng, giúp tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch…

Theo ước tính, sản lượng nấm thế giới hiện đạt khoảng 25 triệu tấn/năm, trong đó, Trung Quốc là nước sản xuất nấm hàng đầu thế giới, rồi đến Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Indonesia, Hàn Quốc. Từ năm 2006 đến nay, tốc độ tăng trưởng của thị trường nấm thế giới đạt 10%/năm. Đức là quốc gia tiêu thụ nấm lớn nhất thế giới (khoảng 300 triệu USD), Hoa Kỳ (200 triệu USD), Pháp (140 triệu USD), Nhật Bản (100 triệu USD)… Mức tiêu thụ nấm bình quân ở những quốc gia này khoảng 4-6kg/người/năm và tăng trung bình 3,5%/năm.

Theo TS. Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Việt Nam đang nuôi trồng khoảng 16 loại nấm, sản lượng đạt 250.000 tấn nấm tươi/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2009 là 60 triệu USD, năm 2011 tăng lên 90 triệu USD, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với những mặt hàng nông sản khác. Hiện nay, giao dịch nấm trên thế giới (bao gồm nấm tươi, nấm chế biến ăn liền và nấm khô) khoảng 1,26 triệu tấn (3,3 tỷ USD).

Ngoài ra, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của nghề nấm bởi ở trong nước, nhu cầu sử dụng nấm ăn và nấm làm dược liệu tăng khá nhanh, chủ yếu là nấm tươi và nấm khô. Mỗi ngày, lượng nấm tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) khoảng vài chục tấn, còn ở Hà Nội thì từ 60 tấn trở lên. Có một thực tế là, thị trường nấm nội địa đang bị nấm nước ngoài chiếm lĩnh, nhất là trong các siêu thị, nhà hàng, nấm của Trung Quốc chiếm tới 80%.

Trồng nấm, mô hình dễ làm, thu nhập khá

Theo ông Nguyễn Phú Ban, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng, nghề trồng nấm của thành phố có từ rất lâu, bởi tốn ít diện tích, phù hợp với quỹ đất ngày càng bị thu hẹp của địa phương, lại tận dụng được lao động nông nhàn, chu kỳ sản xuất ngắn, hiệu quả kinh tế cao. Thành ủy, UBND thành phố cũng dành nhiều quan tâm cho việc phát triển nghề nấm bằng việc chỉ đạo các ngành có liên quan và các địa phương tiến hành dạy nghề tại chỗ, ngắn hạn cho nông dân. Trong đó, Hội Nông dân thành phố phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức được 7 lớp dạy nghề nấm; vận động thành lập 6 HTX chuyên sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, sản lượng đạt 25 – 30 tấn nấm các loại/năm.

Bà Vũ Thị Mùi, Chủ nhiệm HTX nấm An Hải Đông đánh giá: Đà Nẵng hiện đang trong quá trình đô thị hóa, các khu công nghiệp ngày càng mở rộng, với hơn 100 bếp ăn tập thể của các nhà máy, doanh nghiệp; bếp ăn của 93 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, mẫu giáo; 66 trường tiểu học bán trú; hơn 400 nhà hàng lớn và vừa trên địa bàn, chỉ cần 30% số bếp ăn kể trên sử dụng 5-10kg nấm/ngày thì khả năng tiêu thụ nấm của thành phố cũng lên đến 1,5 tấn nấm ăn/ngày. Trong khi đó, giá bán các loại nấm khá cao và ổn định, ví dụ nấm sò khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg, nấm rơm 70.000 -100.000 đồng/kg…

Tại Thái Bình, “vựa” lúa của khu vực Đồng bằng sông Hồng, nghề nấm cũng đang thu hút sự quan tâm của đông đảo nông dân và phát triển ở hầu hết các xã trong tỉnh, sản lượng bình quân đạt 3.000 tấn nấm/năm. Toàn tỉnh đã hình thành 60 trang trại nấm, quy mô trên 100 tấn nguyên liệu/trang trại; hàng nghìn hộ trồng với quy mô trên 30 tấn/năm, chủ yếu sản xuất 5 loại nấm gồm: nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, nấm linh chi, mộc nhĩ, trong đó, sản lượng nấm rơm và nấm mỡ chiếm nhiều nhất, gần 1.700 tấn/năm.

Điển hình như gia đình anh Nguyễn Đức Hải, xã Thuỵ Hồng (huyện Thái Thuỵ) mỗi năm đưa vào sản xuất trên 100 tấn nguyên liệu, doanh thu hàng năm đạt gần 100 triệu đồng. Anh Hải cho biết, trồng nấm khá đơn giản, ai cũng có thể học và trồng được quanh năm, vốn không nhiều, nguyên liệu lại rất sẵn. Thị trường tiêu thụ nấm khá thuận lợi, nấm sản xuất ra đến đâu được thương lái đến mua hết đến đó.

“Điều quan trọng là nghề sản xuất nấm đem lại lợi nhuận cao cho nông dân, có thể đạt 500 triệu đồng/ha, gấp 20 – 30 lần trồng lúa, đồng thời còn mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi, cơ cấu lao động và khai thác có hiệu quả quỹ đất. Đây cũng là nghề được đánh giá có vai trò trong việc thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh”, ông Hoàng Phó Thảo, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Bình) nhận định.

Những rào cản

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết:

Trước hết, phải xác định sản xuất nấm là một nghề, nấm không những là loại thực phẩm ngon, giàu chất dinh dưỡng mà nhiều loài nấm còn có tác dụng như một vị thuốc, giúp tăng cường sức khỏe cho con người. Những công dụng đó đã thúc đẩy sự phát triển của ngành nấm trên toàn thế giới, sản lượng nấm hàng năm đều tăng, đạt tới 25 triệu tấn và không đủ hàng cung ứng cho thị trường toàn cầu, nhất là nấm muối, nấm khô, nấm mỡ… Trong khi đó, ở nước ta, nghề nấm vẫn rất khiêm tốn, sản lượng năm 2011 mới đạt trên 100.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 90 triệu USD, thị trường mới vươn ra 31 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thế mạnh của nghề nấm là không những tạo ra sản phẩm hàng hóa có thị trường, mà còn là sản phẩm hàng hóa có thể khai thác, tận dụng được thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực phía Nam, nơi rất dồi dào về vùng nguyên liệu, lao động, đất đai, thời tiết khí hậu…, tất cả những điều kiện này, ở vùng nào của Việt Nam cũng có.

Chúng ta có tiềm năng lớn, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để biến tiềm năng ấy thành hiện thực. Muốn vậy, chúng ta phải có đề án. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Cục Trồng trọt xây dựng đề án phát triển nghề nấm và cho đến nay, cơ bản chúng tôi đã xây dựng xong, hy vọng sẽ trình trong tháng 7. Đề án đã nói rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, các quan điểm, giải pháp, đi theo đó là các dự án liên quan…

Thưa ông, hiện nay đa phần người dân trồng nấm theo kiểu tự phát, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu. Vậy ngành nông nghiệp đã có định hướng, kế hoạch gì để liên kết những người trồng nấm với nhau?

Để phát triển nghề nấm ổn định, bền vững, chúng ta phải có tổ chức và tổ chức đó phải tập hợp được các thành phần kinh tế cùng chí hướng. Về điều này, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã giao Cục Trồng trọt xây dựng đề án thành lập Hiệp hội Nấm Việt Nam. Tôi đã có trong tay dự thảo Ban vận động thành lập Hiệp hội này và đang chuẩn bị trình Bộ xem xét.

Về cơ bản, Hiệp hội phải tập hợp được lực lượng quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp (DN). Đất nước mạnh trên cơ sở có DN, chứ không phải là quản lý Nhà nước hay quy hoạch chính sách. Chúng ta có đề án, chủ trương mà không có DN thực hiện thì sẽ không đạt được kết quả gì. Mà động cơ quan trọng nhất của các DN chính là lợi nhuận, họ luôn phải tìm cách đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường để làm sao lợi nhuận đạt mức cao nhất, do đó, mục đích của Hiệp hội phải là tập hợp được nhiều DN cùng chí hướng, cùng mục đích xây dựng và phát triển nghề nấm, lấy động lực sản xuất kinh doanh nghề nấm của các DN để thúc đẩy nghề nấm phát triển

Đương nhiên, tham gia vào Hiệp hội còn có nhiều thành phần không kém phần quan trọng khác, đó là nông dân, các nhà khoa học, nhà quản lý. Vì vậy, chúng ta phải tập hợp được càng đông đảo người tham gia càng tốt, trong đó điểm nhấn là các công ty, DN trên cả nước. Nếu Hiệp hội được phê duyệt thành lập, Cục Trồng trọt sẽ tiến hành ngay, và tôi xung phong làm Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội.

Sản xuất nấm là ngành đi sau nhiều ngành nông nghiệp khác. Xin ông cho biết, chúng ta có dọn đường để nấm phát triển bền vững, tránh hiện tượng chặt đi trồng lại, được mùa rớt giá như các nông sản khác không?

Muốn phát triển sản phẩm nông sản nói chung, cần phải tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu nghiên cứu, trồng trọt, thu hoạch đến chế biến, tiêu thụ, trong đó, nhân tố thúc đẩy chuỗi này phải là thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trước hết, nấm là loại thực phẩm tươi, không chỉ người dân thành thị mà cả người dân nông thôn đều nhận thấy nấm là thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng, và chúng ta cần kích thích thị trường tiêu thụ trong nước. Đây là thị trường vô cùng dồi dào, ổn định, mang tính chất quyết định tới việc duy trì sự bền vững của nghề. Hiện nay, mức tiêu thụ nấm ăn bình quân đầu người của dân Việt Nam còn rất thấp, chỉ bằng 1/5 của Trung Quốc, trong tương lai, chúng ta cố gắng nâng mức tiêu thụ nấm bình quân lên bằng nửa Trung Quốc thì cũng đã đủ để nghề nấm phát triển mạnh mẽ. Và muốn tiêu thụ trong nước, chúng ta phải khuyến khích các DN xây dựng thương hiệu, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, kích cầu tiêu dùng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Thứ hai là thị trường nước ngoài hiện nay rất rộng mở, ngày càng có nhiều người ưa thích các sản phẩm nấm, cung không đủ cầu nên nếu đẩy mạnh xuất khẩu, chúng ta sẽ thu được kim ngạch không nhỏ.

Thứ ba là nước ta có nguồn lao động dồi dào, nguồn nguyên liệu trồng nấm vô cùng phong phú. Hàng năm, Việt Nam làm ra 42 triệu tấn thóc, đồng nghĩa chúng ta có 50 triệu tấn rơm, nếu chỉ để đốt như lâu nay thì quá lãng phí, trong khi rơm là nguyên liệu để trồng nấm, ở nhiều nước người ta còn phải đi mua rơm. Dần dần, chúng ta sẽ phải sử dụng tốt nguồn nguyên liệu này để trồng nấm.

Trên đây là những cơ sở để chúng ta tin tưởng cho tương lai của nghề nấm. Sự băn khoăn trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi bất cứ nền sản xuất hàng hóa nào muốn phát triển bền vững, ổn định thì việc xây dựng thương hiệu, xây dựng thị trường phải đi trước một bước. Ngành nấm của Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tốt, và muốn khai thác hiệu quả, chúng ta phải tập trung xây dựng thị trường. Đề án phát triển nấm cũng đang tập trung nhiều vào nội dung này, sẽ có những giải pháp nhằm góp phần tránh tình trạng sản xuất ra không biết bán ở đâu, hay sản xuất dư thừa khiến sản phẩm mất giá, người dân bỏ nghề… như một số trường hợp đã xảy ra với cây điều, sắn, càphê…

Đi đôi với những điều đó, hiện nay nghề nấm còn có nhiều thuận lợi hơn nữa khi Chính phủ đưa nấm vào danh mục sản phẩm quốc gia, thực hiện từ năm 2012. Tuy là sản phẩm dự bị, nhưng việc được Chính phủ, Nhà nước quan tâm đã là cơ sở tốt để chúng ta phát triển mạnh nghề này. Theo đó, chúng ta cần chú ý xây dựng thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu, tiến tới xây dựng chuỗi sản phẩm chặt chẽ từ đầu tới cuối, trong đó, yếu tố thị trường phải được ưu tiên hàng đầu.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề xây dựng thương hiệu nấm Việt Nam?

Chúng ta phải hiểu rằng thương hiệu thường gắn với một DN, với vị trí địa lý, sản phẩm quốc gia. Đã nói đến thương hiệu, nghĩa là sản phẩm đó phải có chuỗi giá trị từ A – Z, tức là từ nghiên cứu phát triển sản xuất, nuôi trồng cho tới thị trường tiêu thụ. Chúng ta đang xây dựng thương hiệu ngành nấm theo 2 hướng, thứ nhất là gắn với thương hiệu từng loại sản phẩm, ví dụ nấm đùi gà, nấm kim châm (tức là gắn với nội dung sản phẩm), thứ hai là gắn với DN cụ thể để có sản phẩm đột phá, ví dụ như hiện nay chúng ta đã có Công ty cổ phần Việt Mỹ của ông Trương Văn Mười ở Đồng Tháp. Ông ta làm nấm rơm, nấm sọ, nhưng vùng tiêu thụ sản phẩm thì bát ngát, sang cả Đông Âu…, do ông ta đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Câu hỏi đặt ra là ai làm những thương hiệu đó? Ở đây, DN là nhân tố chính, thế nhưng Nhà nước cũng phải có hỗ trợ chứ không thể để DN tự bơi. Có lẽ, chúng ta phải có cơ chế riêng về việc hỗ trợ này. Theo như tôi biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có một chương trình hỗ trợ các DN, địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm và chương trình sản phẩm quốc gia cũng nằm trong cái đó, trên cơ sở ấy, người trồng nấm sẽ có nhiều cơ hội phát triển sản phẩm của mình.

Theo Quyết định 439 của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/4/2012, nấm ăn, nấm dược liệu được đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia được ưu tiên đầu tư phát triển. Dựa trên quyết định này, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Cục Trồng trọt xây dựng Đề án phát triển nấm đến năm 2020.

Theo đó, Đề án cần xác định rõ mục tiêu cụ thể về năng suất, sản lượng nấm đến năm 2015 và năm 2020 cũng như các giải pháp thực hiện; trong đó cần xem xét tập trung tăng cường năng lực hệ thống nghiên cứu về nấm, lồng ghép kế hoạch đào tạo nghề trồng nấm cho nông dân vào chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách hiệu quả, thiết thực.

Định hướng thời gian tới là xây dựng hệ thống cung cấp giống nấm theo hướng chuyên nghiệp trên cơ sở thực hiện có hiệu quả Dự án sản xuất giống nấm giai đoạn 2011 – 2015 và những năm tiếp theo, nhằm đảm bảo cung cấp đủ số lượng, chủng loại và chất lượng cho sản xuất trên cả nước. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng hoan nghênh việc tiến tới thành lập Ban vận động thành lập Hiệp hội nấm Việt Nam vào quý IV/2012 nhằm tập hợp các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và người trồng nấm trên cả nước để thúc đẩy phát triển ngành nấm.

Dự kiến đến năm 2015, cả nước sản xuất và tiêu thụ khoảng 400.000 tấn nấm các loại, xuất khẩu đạt 150-200 triệu USD/năm. Đến năm 2020, sản xuất tiêu thụ nấm tăng lên 1 triệu tấn/năm, tạo thêm 1 triệu việc làm cho lao động nông thôn, đưa giá trị xuất khẩu lên 450-500 triệu USD/năm.

Chia sẻ Facebook



THÔNG TIN MỚI
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
QUẢNG CÁO - LIÊN KẾT
Võ Thuật


QUẢNG CÁO

0912 82 2628

CÔNG TY TNHH MTV THƯƠNG HIỆU VẬN TẢI BA THÀNH
Địa chỉ: 248/25 Bùi Thị Xuân, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08.6899.6850 & 08.6899.6846 - Hotline: 0912 82 2628
Email: info@thuonghieudoanhnghiep.vn
THƯƠNG HIỆU DOANH NGHIỆP