HTG.VN: Kênh quảng cáo và công cụ tìm kiếm HTG TRUYỀN THÔNG - QUẢNG CÁO - HƯNG THỊNH
LuatManhDuc.com - law.hungthinhgroup.net - smi
HTG.VN - Thuê tài - Thuê xe - BaThanh.Net
Thương Hiệu Doanh Nghiệp là cái tên dễ nhớ, gần gũi và Thương Hiệu là mục tiêu chung của các doanh nghiệp. Thương Hiệu Doanh Nghiệp là nơi hội tụ Thành công - Thịnh vượng - Phồn vinh của các doanh nghiệp. Thương Hiệu Doanh Nghiệp là nơi tôn vinh và khẳng định đẳng cấp thương hiệu của doanh nghiệp thương hiệu.

Kinh nghiệm giải quyết các vụ án hành chính

Đặt vấn đề: Kính thưa các đồng chí, qua công tác xét xử án hành chính, về cơ bản, Tòa hành chính nhận thấy việc giải quyết vụ án hành chính của Tòa án cấp sơ thẩm đa số là bảo đảm được đường lối giải quyết, quy định pháp luật về Luật Tố tụng hành chính. (Nguồn Tài liệu tập huấn Tòa Hành chính Tp.HCM - Người đăng tin Ngọc Mỹ).

Kinh nghiệm xét xử án lao động 2014: Một số sai sót chủ yếu trong giải quyết án lao động

Tuy nhiên, trong năm 2013 và 03 tháng đầu năm 2014 vẫn còncó những bảnán sơ thẩm bị hủy, sửa về tố tụng. Cụ thể, trong năm 2013,số vụ án mà Tòa hành chính đã thụ lý giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là 118 vụ; trong đó, số án hành chính bị hủylà 09 vụ; bị sửa là 05 vụ; Tỷ lệ hủy sửa chiếm 16,10% trên tổng số án giải quyết.Riêng 3 tháng đầu năm 2014, Tòa hành chínhđã thụ lý giải quyết là 77 vụ án, trong đó số án hành chính sơ thẩm bị hủy là 10 vụ, sửa là 03 vụ; tỷ lệ hủy sửa chiếm 16,88% lượng án giải quyết.

Lý do hủy sửa thường rơi vào các trường hợp cụ thể sau:

Một số Thẩm phán còn nhầm lẫn trong việc xác định thời hiệu khởi kiện, có vụ án trải qua quá trình thu thập chứng cứ, tố tụng nhưng khi xét xử ở cấp phúc thẩm, chúng tôi phát hiện thời hiệu khởi kiện không còn; một số Thẩm phán chưa đánh giá đúng về đối tượng khởi kiện, tư cách đương sự trong vụ án, ví dụ khi nào người khởi kiện là cá nhân hay cơ quan, chủ tịch hay ủy ban, cục trưởng hay chi cục thuế… Mặt khác, một số bản án bị kháng nghị theo trình tự phúc thẩm vì tuyên án phần quyết định chưa đúng, giải quyết chưa hết yêu cầu đương sự hay vượt quá yêu cầu đương sự, một số bản án tuyên phần án phí phần bồi thường thiệt hại chưa chính xác, hoặc cho người kháng cáo nộp tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm chưa đúng.

Bên cạnh đó, còn một số Thẩm phán chưa chú trọng trong thu thập chứng cứ ví dụ như một số hồ sơ hành chính sơ thẩm thiếu phương án đền bù giải tỏa tái định cư nhưng bản án sơ thẩm vẫn nhận định: Đối chiếu phương án thì quyết định của ủy ban nhân dân là đúng. Một số tài liệu đương sự nộp chưa được đối chiếu bản chính…Những vấn đề này, cấp phúc thẩm đã khắc phục bằng cách triệu tập các đương sự nộp bổ sung tại giai đoạn phúc thẩm, tuy nhiên, cần trao đổi để các đồng chí lưu ý trong quá trình giải quyết án.

 Một vấn đề nữa được đặt ra là bên cạnh một số bản án sơ thẩm được viết đúng mẫu, lập luận chặt chẽ, tuy nhiên, một số bản án phần nhận định còn sơ sài dẫn đến phần quyết định chưa giải quyết đủ yêu cầu của người khởi kiện.

Do đó, được sự thống nhất của các đồng chí lãnh đạo, hôm nay, đại diện lãnh đạo Tòa hành chính, tôi xin phép được trao đổi với các đồng chí những vấn đề cần lưu ý khi thụ lý, giải quyết án hành chính sơ thẩm từ đó rút những kinh nghiệm để việc giải quyết án hành chính tốt hơn.

I.Thời hiệu khởi kiện:

Theo Điều 104 Luật Tố tụng hành chính thì thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định như sau:

a) 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

b) 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

3. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Lưu ý: Thời hiệu khởi kiện được hướng dẫn cụ thể tại Điều 12 Chương II tại Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Hiểu thêm Điều 3 Nghị quyết 56/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội như sau:

Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, người khiếu nại đã thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 01 tháng 6 năm 2006 đến ngày Luật này có hiệu lực, nếu khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 01/2011/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối Cao hướng dẫn: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai(nội dung quản lý nhà nước về đất đai)được quy định tại Điều 3 Nghị quyết 56 khi đủ các điều kiện sau đây:

a/ Việc khởi kiện được thực hiện trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày LuậtTố tụng hành chính có hiệu lực(ngày 01/7/2011)

b/ Người khởi kiện đã thực hiện việc khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 01/6/2006 đến ngày LuậtTố tụng hành chính có hiệu lực(ngày 01/7/2011) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng họ không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và họ chưa khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân, nhưng Tòa án đã trả đơn khởi kiện hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 41 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính”.

Theo Công văn số 246/TANDTC-KHXX ngày 07/10/2012 và Công văn số 163/TANDTC-KHXX ngày 10/8/2012 của Tòa án nhân dân tối cao gửi cho Tòa án nhân dân Tỉnh Long an và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trả lời về việc áp dụng Điều 3 Nghị quyết 56/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội đã giải thích rõ hơn như sau: “Trong trường hợp đương sự đã gửi đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết từ trước ngày 01/6/2006 nhưng sau ngày 01/6/2006 mới nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 là quyết định giải quyết cuối cùng thì trường hợp này được hiểu là sau ngày 01/6/2006, đương sự vẫn thực hiện việc khiếu nại và nếu họ không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại thì thuộc trường hợp được hướng dẫn tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 01/2011/NQ-HĐTP và họ có thẩm quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 01/7/201.

Đối với trường hợp đương sự đã khiếu nại đến người có thẩm quyền khiếu nại từ ngày 01/6/2006 đến ngày 01/7/2011 mà khiếu nại không được giải quyết do hết thời hiệu khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại Tố cáo thì đây là trường hợp “Khiếu nại không được giải quyết” hướng dẫn tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 01/2011/NQ-HĐTP (không phụ thuộc vào lý do mà khiếu nại không được giải quyết); Do đó, nếu có đủ các điều kiện khác theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 01/2011/NQ-HĐTP thì đương sự có quyền khởi kiện hành chính tại Tòa án nhân dân.”

Lưu ý, việc khiếu nại liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai nói trên phải gửi đúng người có thẩm quyền đó là Chủ tịch y ban nhân dân cấp quận huyện, xã, thị trấn hoặc cấp tỉnh thành thì mới xem là khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết.

Ví dụ: Bà Nguyễn Thị A kiện hành vi cưỡng chế giao đất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận X, hành vi cưỡng chế diễn ra năm 1996, bà A khiếu nại nhiều nơi, gửi đến Văn phòng Quốc hội và nhiều nơi khác...từ năm 1996. Đến tháng 5 năm 2011, bà A khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận X, Tòa cấp sơ thẩm thụ lý vụ án theo Điều 3, Nghị quyết 56/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội và bác yêu cầu khởi kiện của bà A. Bà A kháng cáo, cấp phúc thẩm đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ cũng như đề nghị UBND quận X kiểm tra toàn bộ hồ sơ khiếu nại của bà A xem là bà A có khiếu nại đến Chủ tịch UBND quận X không, tại phiên tòa bà A cũng cho rằng mình khiếu nại liên tục từ 1996 đến năm 2011, nhưng không chứng minh được là gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND quận X. Vì vậy, cấp phúc thẩm đã căn cứ Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 01/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án do không còn thời hiệu khởi kiện và cũng không thuộc trường hợp Điều 3 Nghị quyết 56/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội.

II.Xác định đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính:

Theo Điều 28 Luật Tố tụng hành chính quy định các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trong đó “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức”.

Như vậy, theo quy định trên,những quyết định sau đây không phải là đối tượng khởi kiện hành chính.

- Quyết định mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Văn bản của Phòng Tài nguyên môi trường quận trả lời quyết định thu thập chứng cứ củaTòa án thì văn bản của Phòng Tài nguyên quận không phải là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính.

- Quyết định hành chính nằm trong Danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo Nghị định 49/2012/NĐ-CP ngày 04/6/2012 của Chính phủ (đề nghị các đồng chí tham khảo thêm Nghị định 49/2012/NĐ-CP ngày 04/6/2012 của Chính phủ).

- Quyết định tổng thể không có danh sách kèm theo hoặc không có văn bản quy định chi tiết đối với từng hộ, cá nhân có ảnh hưởng quyền lợi, nghĩa vụ.Trong trường hợp quyết định mang tính tổng thể nhưng có danh sách kèm theo hoặc có bản quy định chi tiết đối với từng hộ gia đình, cá nhân kèm theo, qua đó xác định được cụ thể quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình như thế nào thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với phần xác định cụ thể đó.

Ví dụ: Quyết định phê duyệt phương án bồi thường đối với khu đất thuộc xã A, huyện B. Quyết định này không nêu rõ cá nhân, hộ nào bị ảnh hưởng thì quyết định phê duyệt này không phải là đối tượng khởi kiện. Nhưng cũng quyết định đó có kèm theo danh sách từng hộ gia đình, cá nhân, thì quyết định phê duyệt phương án là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

- Quyết định giải quyết khiếu nại của cấp trên có nội dung giữ nguyên quyết định bị khiếu nại của cấp dưới.

III. Vấn đề thẩm quyền của TAND cấp quận, huyện hay tỉnh, thành:

Theo Điều 29, 30 Luật Tố tụng hành chính thì TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng địa giới hành chính với TAND cấp huyện đó.

+ TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định cuả TAND cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức cấp tỉnh trên cùng địa giới hành chính với TNND cấp tỉnh đó; Các khiếu kiện, quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức trung ương, người có thẩm quyền thuộc các cơ quan này mà người khởi kiện cư trú, làm việc hoặc có trụ sở trên cùng địa giới hành chính với Tòa án đó; Các khiếu kiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện mà TAND cấp tỉnh lấy lên giải quyết.

Tòa phúc thẩm TANDTC có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định cuả TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Như vậy, thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp quận huyện, tỉnh thành trong Tố tụng hành chính khác với Tố tụng dân sự. Cụ thể trong Tố tụng dân sự, một trong những căn cứ phân biệt thẩm quyền của cấp quận, huyện, tỉnh thành đó là yếu tố nước ngoài; nhưng trong Tố tụng hành chính căn cứ để phân biệt thẩm quyền cấp quận, huyện, tỉnh thành là căn cứ vào đối tượng hành chính bị khởi kiện và thẩm quyền ban hành quyết định hành chính bị khởi kiện chứ không căn cứ vào vụ án có yếu tố nước ngoài hay không.

Sau khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, Tòa hành chính cũng đã nhận nhiều vụ án hành chính của nhiều Tòa án quận huyện chuyển vụ án đến Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết theo thẩm quyền với lý do người khởi kiện định cư ở nước ngoài. Trong khi đó, những vụ án này đối tượng khởi kiện hành chính là các quyết định do cơ quan cấp quận,huyện ban hành.Tòa hành chính đã căn cứ Điều 28, Điều 29 Luật Tố tụng hành chính chuyển hồ sơ về lại với lý do vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

IV. Xác định người bị kiện là cá nhân hay tổ chức theo Khoản 7 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính.

Điều 2 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn vấn đề này như sau:

Để xác định người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyến giải quyết vụ việc đó. Trường hợp có nhiều luật cùng quy định thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính về một lĩnh vực quản lý thì việc xác định thẩm quyền của người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào luật chuyên ngành.

Ví dụ 1: Căn cứ vào Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 thì thẩm quyền xử phạt xử phạt hành chính là Chủ tịch UBND quận huyện. Do đó, người bị kiện trong quyết định xử phạt hành chính phải là Chủ tịch UBND quận huyện. Căn cứ vào Điều 44 Luật đất đai quy định thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất là UBND cấp huyện, do đó người bị kiện trong vụ án hành chính khiếu kiện quyết định thu hồi đất phải là UBND cấp huyện.

Ví dụ 2: Luật Quản lý thuế năm 2006 quy định thẩm quyền ấn định thuế là Chi cục thuế, Cục kiểm tra thông quan…nên người bị kiện trong các vụ án hành chính khởi kiện quyết định ấn định thuế phải là Chi cục thuế, Cục thuế…

Tuy nhiên Luật Quản lý thuế năm 2006 và Nghị định 98/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính Phủ quy định, thẩm quyền ban hành các quyết định xử phạt về thuế như truy thu thuế, xử phạt về thuế thì thuộc thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục thuế, Cục trưởng Cục thuế, Chủ tịch UBND các cấp…Vì vậy, người bị kiện trong những vụ án hành chính phải là cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định đó…

Một vấn đề cũng cần lưu ý trong việc xác định người bị kiện có phải là người được ủy quyền ban hành quyết định hay người có thẩm quyền ban hành quyết định:

Theo quy định của Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên,việc giao quyền này phải bằng văn bản quy định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Như vậy, trong trường hợp này, người có thẩm quyền ban hành quyết định là người ủy quyền chứ không phải là người được ủy quyền và người bị kiện trong vụ án hành chính phải là người đã ủy quyền cho cấp dưới ban hành quyết định đó.

Ví dụ: Chủ tịch UBND T có văn bản ủy quyền nội bộ cho phó chủ tịch ký các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Ngày 01/3/2014, phó Chủ tịch UBND quận T ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với chủ hộ của căn nhà số 10/1 đường Nguyễn Cửu Đàm quận T. Như vậy, mặc dù Phó chủ tịch được ủy quyền ký quyết định, nhưng khi xác định người bị kiện trong vụ án hành chính này phải là người mà Luật quy định có thẩm quyền ban hành xử phạt, đó là Chủ tịch UBND quận T.

V. Bản án tuyên không đúng thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền của Hội đồng xét xử quy định tại Điều 163 Luật Tố tụng hành chính.

Theo Điều 163 Luật Tố tụng hành chính thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thẩm quyền bác yêu cầu của người khởi kiện; Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện. Như vậy, bản án phải thể hiện được nội dung hội đồng xét xử xem xét đánh giá toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện, không bỏ sót yêu cầu cũng như không được xét xử vượt quá yêu cầu của họ.

Vừa qua, Tòa Hành chính nhận 08 hồ sơ hành chính bị Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm do bản án đã tuyên vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự, chưa xét đến yêu cầu đương sự. Chúng tôi xin được nêu ra để rút kinh nghiệm chung.

Nội dung vụ án: Theo đơn khởi kiện bà Phan Thị Thu K trình bày: Năm 2001 Ủy ban nhân dân huyện N thu hồi của bà diện tích đất 11.206m2 thuộc các thửa 133, 134, 135, 136, 137 và 138 tờ bản đồ số 01 xã P, huyện N để giao cho Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng trong quá trình đền bù và hỗ trợ thiệt hại, UBND huyện N đã thực hiện sai các quy định của pháp luật, thực hiện không đúng phương án đền bù giải toả như đã cam kết, xâm hại đến quyền lợi của bà. Nên bà khởi kiện yêu cầu:

- Ủy ban nhân dân huyện N thực hiện lại trình tự, thủ tục thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật.

- Phải bố trí cho bà một nền đất ở tại khu tái định cư là 300m2 theo đúng phương án thỏa thuận trước khi thu hồi đất.

- Hủy bỏ Thông báo số 72/TB-UBND ngày 07/5/2009 và Công văn số 332/CV-BT ngày 15/10/2007 của UBND huyện N và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện N.

Tòa án nhân dân huyện N đã tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị Thu K đòi hủy bỏ Biên bản hiệp thương đền bù ngày 06/9/2001 của UBND huyện N và yêu cầu UBND huyện N thực hiện lại trình tự, thủ tục thu hồi đất.

Tương tự 7 vụ án khác có cùng nội dung và tuyên án như vậy.

Trong vụ án hành chính này, bà K có 3 yêu cầu cụ thể là buộc Ủy ban nhân dân huyện N thực hiện lại trình tự, thủ tục thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật; bố trí cho bà một nền đất ở tại khu tái định cư là 300m2 theo đúng phương án thỏa thuận trước khi thu hồi đất. Hủy bỏ Thông báo số 72/TB-UBND ngày 07/5/2009 và Công văn số 332/CV-BT ngày 15/10/2007 của UBND huyện N và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện N. Bà K không yêu cầu hủy biên bản hiệp thương nhưng Tòa án huyện N lại tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà K về việc hủy biên bản hiệp thương là vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự, bên cạnh đó cũng chưa xem xét đến các yêu cầu khởi kiện của đương sự là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, buộc phải hủy 8 vụ án nói trên.

* Nhận thức chưa đúng về yêu cầu của đương sự được tái định cư không phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án khiếu kiện quyết định bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Người khởi kiện ông Lê Văn N khởi kiện đề nghị hủy Quyết định số 51/QĐ-UBND Ngày 19/7/2007 của Ủy ban nhân dân quận X về việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho hộ ông có nhà đất bị giải tỏa trong dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Phú Mỹ, đề nghị được xem xét giao hai nền tái định cư.

Cấp sơ thẩm đã xét xử vụ án, bác yêu cầu khởi kiện của ông N, riêng đối với yêu cầu được tái định cư thì nhận định như sau: “ xét thấy yêu cầu về việc tái định cư không phải là đối tượng khiếu kiện vụ án hành chính theo quy định pháp luật, nên Hội đồng xét xử không xét vì vậy đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu bố trí tái định cư của ông N…”. Từ đó phần quyết định của bản án sơ thẩm đã quyết định:  “Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu bố trí tái định cư của ông N…”.

Lưu ý: Yêu cầu được tái định cư nằm trong yêu cầu hủy quyết định về bồi thường hỗ trợ tái định cư, không thể tách rời, cấp sơ thẩm nhận định yêu cầu về việc tái định cư …không phải là đối tượng khiếu kiện vụ án hành chính và đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu bố trí tái định cư của ông N là không đúng. Trong trường hợp này cần phải xem xét yêu cầu tái định cư của đương sự trong bản án có cơ sở hay không có cơ sở, từ đó chấp nhận hay bác yêu cầu này của đương sự chứ không đình chỉ giải quyết.

VI. Vấn đề án phí:

* Nhiều người cùng đứng đơn khởi kiện, cùng kháng cáo một nội dung thì nộp 200.000 đồng án phí hành chính và 200.000 đồng tạm nộp án phí hành chính phúc thẩm hay mỗi người phải nộp 200.000 đồng án phí?

Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính theo trình tự phúc thẩm, chúng tôi thấy có Tòa  quận, huyện thông báo cho những người khởi kiện có đơn kháng cáo phải nộp án phí hành chính mỗi người là 200.000 đồng và tạm nộp án phí hành chính phúc thẩm mỗi người là 200.000 đồng. Giải quyết như vậy là chưa đúng vì theo Điều 34 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án thì: “  Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, một hoặc một số quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng pháp luật; một hoặc một số quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật thì người bị kiện phải chịu án phí hành chính sơ thẩm.

Điều 37 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án quy định: “Người kháng cáo phải chịu án phí hành chính phúc thẩm, nếu Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm.” Như vậy, hiểu theo tinh thần điều luật trên, thì người khởi kiện chịu án phí hành chính sơ thẩm hoặc người kháng cáo phải nộp án phí hành chính phúc thẩm là 200.000 đồng nếu như yêu cầu của họ không được chấp nhận.Cụm từ người khởi kiện được hiểu là nếu như nhiều người cùng đứng đơn khởi kiện và cùng có chung một yêu cầu hoặc họ cùng kháng cáo một nội dung thì họ chỉ phải chịu chung án phí hành chính sơ thẩm hoặc án phí hành chính phúc thẩm. Vì vậy, chúng tôi đã sửa bản án hành chính sơ thẩm phần án phí như nhận định trên.

* Án phí trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại: Điều 19 Nghị quyết 01/2012 HĐTP-TANDTC năm 2012 hướng dẫn về án phí, lệ phí Tòa án quy định như sau: 

“ c) Người khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại về những khoản không phù hợp thì Tòa án phải giải thích cho họ việc họ phải chịu án phí nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại đó không được Tòa án chấp nhận. Nếu họ vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết thì họ phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận;”

Như vậy, theo quy định trên, trong vụ án hành chính nếu đương sự có yêu cầu bồi thường thiệt hại về những khoản không phù hợp nếu sau khi được Tòa án giải thích mà họ vẫn yêu cầu thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo giá ngạch. Nếu Tòa chưa giải thích cho đương sự thì không được tính án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại đó.

Chúng tôi xin đơn cử vụ án sau đây: Bà A  khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện G, đề nghị hủy quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng của Chủ tịch UBND quận G, đồng thời bà A đòi bồi thường thiệt hại do hành vi cưỡng chế tháo dỡ công trình của nhà bà là 1 tỷ đồng. Cấp sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của bà A và buộc bà A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 42.000.000 đồng. Qua quá trình kiểm tra từ giai đoạn nhận đơn, biên bản đối thoại, biên bản phiên tòa, chúng tôi thấy người khởi kiện chưa được giải thích về việc tính án phí đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vì vậy, chúng tôi đã sửa bản án sơ thẩm phần án phí theo hướng không buộc bà A chịu án phí dân sự sơ thẩm trên yêu cầu bồi thường thiệt hại nói trên

Vì vậy, chúng tôi đề xuất ý kiến như sau: Để thực hiện đúng Điểm C Điều 19 Nghị quyết 01/2012 HĐTP-TANDTC năm 2012 hướng dẫn về án phí, lệ phí Tòa án, trong các vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì Tòa án cần phải giải thích nghĩa vụ họ phải án phí dân sự sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được chấp nhận. Việc giải thích này thực hiện ở các giai đoạn sau:

+ Giai đoạn nhận đơn: Lập biên bản giải thích về việc chịu án phí dân sự sơ thẩm.

+ Biên bản đối thoại

+ Biên bản phiên tòa.

VII. Một số vấn đề lưu ý khi viết bản án sơ thẩm:

* Phần nhận thấy:

Trong phần này phải gồm các nội dung cơ bản sau:

- Yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện;

- Đề nghị của người bị kiện;

- Đề nghị yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

Lưu ý: Các đồng chí không viết bản án theo dạng viết toàn bộ phần trình bày của người khởi kiện và người bị kiện vì sẽ lập lại nhiều ý trùng lấp nhau mà cần phải viết các sự kiện pháp lý theo trình tự ngày tháng năm ban hành quyết định; phần trình bày của người khởi kiện, căn cứ của việc đề nghị hủy, ý kiến của người bị kiện với những cơ sở pháp lý mà họ đã ban hành.

Ví dụ: Trong vụ án hành chính giữa bà Phan Thị Liên kiện UBND quận T về việc hủy quyết bồi thường hỗ trợ tái định cư thì viết phần nhận thấy bản án như sau:

Ngày 02/01/2014, bà Phan Thị Liên nhận Quyết định số 4735/QĐ-UBND ngày 23/12/2013 của Uỷ ban nhân dân quận T về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ bổ sung trong dự án đường nối Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài trên địa bàn phường H. Bà không khiếu nại đến chủ tịch UBND quận T. Ngày 01/2/2014 bà Liên khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận T, đề nghị hủy quyết định nói trên.

+ Những căn cứ mà  người khởi kiện đề nghị hủy Quyết định số 4735/QĐ-UBND ngày 23/12/2013 của Uỷ ban nhân dân quận T là:

Nguồn gốc phần đất bị thu hồi gia đình bà sử dụng trước từ năm năm 1991 , việc sử dụng ổn định, không ai tranh chấp cho đến khi bị giải toả. Mặc dù đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có bằng khoán chế độ cũ để lại. Việc UBND quận T chỉ bồi thường theo giá đất nông nghiệp là không đúng theo quy định …Đối chiếu theo phương án số…thì hộ gia đình bà phải được bồi thường theo giá đất ở, được hưởng suất tái định cư..

+ Người bị kiện là UBND quận T nêu những căn cứ ban hành Quyết định số 4735/QĐ-UBND ngày 23/12/2013 của Uỷ ban nhân dân quận T như sau:

     Thực hiện theo quyết định thu hồi đất số, ngày tháng năm…Căn cứ vào bản đồ chi tiết thì thửa đất số, tọa lạc tại…của bà Phan Thị Liên thuộc đối tượng thu hồi đất. Thực hiện theo quyết định thu hồi đất…Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận T đã xây dựng phương án bồi thường số…ngày tháng năm…và được UBND thành phố H duyệt ngày …tháng năm…Nguồn gốc đất của bà Liên sử dụng từ năm ….Đối chiếu phương án số ngày tháng năm…Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận T đã ban hành Quyết định số 4735/QĐ-UBND ngày 23/12/2013. Nhận thấy quyết định này là đúng quy định pháp luật nên trước yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị Liên, UBND quận T không đồng ý.

     + Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông (bà) trình bày: (nếu có)

Tòa án đã tiến hành đối thoại,

Tại phiên tòa hôm nay,

Người khởi kiện trình bày như sau:

Người bị kiện trình bày như sau:

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của….trình bày như sau:

*Phần xét thấy:

Trong phần nhận định của Tòa án bao gồm những nội dung sau:

- Về tố tụng: Thời hiệu, đối tượng hành chính, thẩm quyền của Tòa..

- Thẩm quyền ban hành quyết định, hành vi…

+ Nhận định của Tòa án đối với vụ việc

+ Điểm, Khoản, Điều của văn bản quy phạm pháp luật mà Tòa án căn cứ giải quyết vụ án. Ví dụ vụ án về bồi thường hỗ trợ tái định cư thì cần nêu được đối chiếu với quyết định thu hồi đất, bản đồ thu hồi thì thửa đất nằm trong ranh thu hồi ; đối chiếu phương án bồi thường thì bảng chiết tính bồi thường áp loại giá đất, bồi thường công trình nhà ở…đúng hay sai.

+ Cần viện dẫn điểm, khoản, điều của những văn bản ban hành quyết định, đối chiếu phương án ra sao…

phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

* Phần áp dụng pháp luật:

+ Về nguyên tắc khi đã viện dẫn những căn cứ pháp lý để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu đương sự cũng như giải quyết vụ án thì không cần viện dẫn điều luật lại nữa.

* Phần quyết định:

          Điều 163 Luật Tố tụng hành chính quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử như sau:

+ Bác yêu cầu của người khởi kiện;

          + Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện:

          +Tuyên huỷ huỷ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật;

          + Tuyên huỷ quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật;

          +Tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính là trái pháp luật;

         +Buộc cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trách nhiệm công vụ theo quy định của pháp luật hoặc chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật.

Lưu ý:

+ Trong phần quyết định của bản án cần ghi đúng những cụm từ nêu trên mà Điều 163 đã quy định.

Ví dụ 1: Trong trường hợp bác yêu cầu của đương sự thì phần quyết định ghi câu “Bác yêu cầu của ông Nguyễn Văn A về việc hủy quyết định số ngày  tháng năm  của …về việc….”.

Ví dụ 2: Trong trường hợp chấp nhận toàn bộ yêu cầu của đương sự thì phần quyết định ghi: “Chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn A. Hủy quyết định số…ngày …tháng …năm của…. về việc..”.

Ví dụ 3: Trong trường hợp chấp nhận một phần yêu cầu của đương sự thì cần ghi rõ chấp nhận phần nào và bác yêu cầu phần nào.

+ Việc ban hành quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ công chức. Do đó, trường hợp có căn cứ để kết luận quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc là trái pháp luật, toà án chỉ có quyền tuyên huỷ quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị khiếu kiện để cơ quan hoặc người có thẩm quyền xem xét giải quyết lại nếu (có căn cứ). Toà án không có quyền thay cơ quan, người có thẩm quyền để giải quyết lại vụ việc.

Ví dụ: Trong vụ án hành chính bồi thường giải tỏa, ông H kiện quyết định bồi thường vì đã tính áp sai đất của ông, lẽ ra phải bồi thường là đất ở nhưng bồi thường là đất nông nghiệp. Cấp sơ thẩm sau khi căn cứ vào phương án đền bù, điều kiện bồi thường đã nhận định quyết định của UBND là trái pháp luật và từ đó áp giá đất ở, chấp nhận yêu cầu đương sự và tính thành bằng số tiền cụ thể. Tòa hành chính đã nhận định Tòa án chỉ có quyền tuyên quyết định đó đúng hay không đúng pháp luật chứ Tòa án không có quyền làm thay UBND tính lại quyết định bồi thường nên đã sửa bản án sơ thẩm nói trên.

Trên thực tế, có rất nhiều bản án sơ thẩm chỉ nhận định về thủ tục ban hành các quyết định hành chính bị khởi kiện, còn nội dung của quyết định hành chính chỉ nhận định một cách chung chung : “Quyết định hành chính số…của UBND là có căn cứ nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của …”.Việc nhận định như vậy là chưa đúng theo mẫu bản án mà Tòa án nhân dân tối cao ban hành cũng như chưa mang tính thuyết phục đối với đương sự.

Tóm lại, trên đây là một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án hành chính. Chúng tôi hy vọng rằng buổi tập huấn hôm nay sẽ giúp ích cho các đồng chí giải quyết án hành chính được tốt hơn.

tand.hochiminhcity.gov.vn

Chia sẻ Facebook



THÔNG TIN MỚI
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
QUẢNG CÁO - LIÊN KẾT
Võ Thuật


QUẢNG CÁO

0912 82 2628

CÔNG TY TNHH MTV THƯƠNG HIỆU VẬN TẢI BA THÀNH
Địa chỉ: 248/25 Bùi Thị Xuân, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08.6899.6850 & 08.6899.6846 - Hotline: 0912 82 2628
Email: info@thuonghieudoanhnghiep.vn
THƯƠNG HIỆU DOANH NGHIỆP